11 LỜI BẠT

Am Mây Ngủ tuy là một truyện ngoại sử nhưng nó không có tính cách truyện giả sử mà trái lại rất gần với chính sử. Năm tháng và những dữ kiện lịch sử trong truyện đều phù hợp với chính sử. Sách Tam Tổ Thực Lục mà tác giả sử dụng đã bổ khuyết được nhiều cho các bộ quốc sử và đính chính lại những điểm ghi chép sai lầm trong các bộ này.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói rằng: “vua Chế Mân băng vào tháng năm năm Đinh Mùi, và mãi đến tháng mười năm ấy quan Thượng Thư Tả Bộc Xa là Trần Khắc Chung và quan An Phủ Sứ Đặng Vân mới khởi hành qua Chiêm để đón công chúa và thế tử Đa Gia về, bởi vì theo tục nước Chiêm Thành, hễ vua chết thì hoàng hậu phải lên hỏa đàn chết theo”. Thực ra, hỏa đàn của vua theo đúng tục lệ Chiêm Thành, được tổ chức bảy ngày sau khi vua băng. Khởi hành từ Thăng Long vào tháng mười một, như vậy là đã hơn sáu tháng trôi qua ngày vua lên đàn hỏa. Người Chiêm đã để cho Huyền Trân sống cho tới ngày sứ giả Đại Việt qua tới, điều đó chỉ có thể giải thích bằng thái độ e dè của người Chiêm không muốn gây nỗi bất bình với vua Đại Việt. Khi người Đại Việt cướp công chúa về, không phải là người Chiêm không đuổi theo bắt lại được. Họ là những thủy thủ rất thiện nghệ. Nhưng họ đã để cho công chúa đi thoát. Những dữ kiện trên đáng làm cho ta suy nghĩ.

Thái tử Chế Đa Gia nhất định là con của công chúa Huyền Trân, nếu không thì tại sao vua Đại Việt ra lệnh cho Trần Khắc Chung và Đạng Vân đón thái tử về cùng với công chúa? Nhưng người Chiêm đã cố tình giữ thái tử Chế Đa Gia lại, vì thái tử là thuộc về dòng họ của vương quốc Chiêm Thành. Vì lẽ đó mà các quan đã không bắt theo được thái tử Chế Đa Gia.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có thể nói đến vụ Trần Khắc Chung “tư thông vói công chúa rồi loay hoay ở đường biển lâu ngày mới về đến kinh sư”. Vụ này có thể là do miệng lưỡi xấu xa thêu dệt. Trần Khắc Chung đâu phải đi Chiêm một mình. Bên cạnh ông còn có quan An Phủ Sứ Đặng Vân và cả một thủy thủ đoàn mà ta biết chắc là đông đảo.

Sách Đại Việt Sử Ký lại còn nói rằng sau khi Trúc Lâm đại sĩ mất, trong triều đình có người xin vua làm tội thiền sư Pháp Loa, vì thiền sư đã dám làm lễ hỏa thiêu Thượng hoàng mà không cho vua và triều thần hay biết. Thực ra, người đứng ra dựng hỏa đàn là thiền sư Bảo Sát. Lễ khai hỏa đàn cử hành đêm mồng hai tháng mười một mà tới ngày mồng bốn thiền sư Pháp Loa mới lên tới núi Yên Tử. Nếu bắt tội thì bắt tội Bảo Sát chứ sao lại bắt tội Pháp Loa. Sách Tam Tổ Thực Lục cho ta biết chính Trúc Lâm di chúc cho Bảo Sát làm lễ hỏa táng ngài ngay tại am Ngọa Vân trước khi báo tin về triều đình biết.

Sách Tam Tổ Thực Lục nói rằng khi vua Nhân Tông mới sinh, sắc mặt vàng như hoàng kim, nên vua Thánh Tông yêu quý gọi thái tử là “Kim Phật”. Tác giả sách Đại Việt Sử Ký, một nhà Nho không ưa Phật, nói rằng “Ở trong hai cung, mọi người gọi thái tử là”kim tiền đồng tử". Những chi tiết như vậy, tuy nhỏ nhặt, cũng làm giảm đi ít nhiều giá trị của bộ sử.

Tác giả Truyện Am Mây Ngủ chưa được viếng núi Hổ Sơn, chỉ nhờ đọc sách Đại nam Nhất Thống Chí cho nên biết được rằng công chúa Huyền Trân sau khi về nước đã lên tu ở đây, và nhờ đọc bài L’Inscription Chame de Po Sah của E. Aymoneir (Bull Comm. Archeol, Indochine 1911) cho nên biết được rằng hồi mới về Chiêm, công chúa được vua Chế Mân ban hiệu là Paramesevari và việc này đã được khắc vào bia Po Sah.

Trúc Lâm đại sĩ và công chúa Huyền Trân đã “lỡ” thương người Chàm cho nên mới muốn sống hòa bình với dân tộc Chàm. Vì thương, họ đã mở rộng trái tim để đón nhận một dân tộc anh em. Cái ta nhỏ hẹp trở thành cái ta rộng lớn.

Ai mà không muốn cho các dân tộc Đông Dương sống với nhau như anh em một nhà. Nhưng vũ lực không chinh phục được tình huynh đệ. Chỉ có lòng thương mới chinh phục được tình huynh đệ.

NIÊN BIỂU

1291 Tuệ Trung Thượng Sĩ mất.

1292 Thái tử Thuyên được lập làm Hoàng thái tử.

1293 Thái tử lên ngôi, hiệu Anh Tông, mười tám tuổi. Nhân Tông làm Thái thượng hoàng. Em Anh Tông là Quốc Chẩn, mười ba tuổi, được phong làm Huệ Võ Vương. Thái hậu Khâm Từ băng.

1295 Vua Nhân Tông thực tập xuất gia ở hành cung Vũ Lâm.

1299 Vua Nhân Tông xuất gia ở núi Yên Tử, đạo hiệu Trúc Lâm đầu đà.

1300 Hoàng tử Mạnh sinh.

1301 Trúc Lâm đầu đà du hành sang Chiêm Thành, hứa gã công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Trần Quang Triều được phong làm Văn Huệ Vương. Hội Vô Lượng được tổ chức ở chùa Phổ Minh gần cung Thiên Trường để thuyết pháp và chẩn cấp tiền, lụa cho người nghèo trong nước.

1304 Trúc Lâm du hành trong nhân gian, thuyết pháp và khuyên dân thực hành thập thiện. Trúc Lâm cho Pháp Loa xuất gia. Vua Anh Tông thọ Bồ Tát tâm giới.

1305 Pháp Loa thọ giới tỳ khưu tại Kỳ Lân Viện. Huyền Quang xuất gia với Bảo Phác. Sứ Chiêm sang làm lễ cầu hôn công chúa Huyèn Trân.

1306 Pháp Loa được lập làm giảng sư chùa Siêu Loại. Bảo Phác đưa Huyền Quang tới làm thị giả cho Trúc Lâm. Công chúa Huyền Trân về Chiêm.

1307 Trúc Lâm kết hạ tại am Ngọa Vân và dạy Đại Huệ Ngữ Lục cho Pháp Loa và bảy vị đệ tử khác. Vua Chế Mân băng. Trần Khắc Chung và Đặng Vân qua Chiêm cứu công chúa Huyền Trân, sợ công chúa bị hỏa thiêu.

1308 Trúc Lâm làm lễ ủy Pháp Loa kế thế trụ trì chùa Báo Ân trước mặt vua Anh Tông và triều thần. Tuyên Từ thái hậu xuất gia, thọ Bồ Tát giới với Pháp Loa. Huyền Trân về nước. Trúc Lâm đại sĩ tịch. Bảo Sát làm lễ hỏa thiêu Trúc Lâm tại Ngọa Vân Phong. Pháp Loa làm niêm tụng cho sách Thạch Thất Mỵ Ngữ của Trúc Lâm.

1309 Rước xá lợi Trúc Lâm từ đại nội về Lăng Quy Đức bằng thuyền. Trai đàn lớn được tổ chức cho Trúc Lâm.

1311 Bảo Sát được lệnh tục san Đại Tạng Kinh. Huyền Quang trình kiến giải lên pháp Loa. Đại Việt đánh Chiêm. Vua Chế Chí bị bắt, đem về Đại Việt.

1312 Anh Tông mời Pháp Loa vào chùa Tư Phúc trong đại nội giảng Đại Tuệ Ngữ Lục. Vua cử Pháp Loa phát năm vạn quan tiền và lụa cho kẻ nghèo.

1311 Vua Chế Chí mất tại chùa hoàng cung Gia Lâm. Anh Tông sai trùng tu chùa Báo Ân, xuống chiếu lập tang tịch và quy định tăng chức trong thiên hạ. Hoàng hậu Bảo Từ cúng ba trăm mẫu ruộng vào chùa Báo Ân.

1314 Đại Tạng Kinh hoàn thành. Bản in đầu an trí tại chùa Báo Ân. Chùa Báo Ân, và Phật điện, tạng kinh và tăng đường đếm được ba mươi sở. Hoàng tử Mạnh lên ngôi hiệu là Minh Tông, mười lăm tuổi. Anh Tông làm Thái Thượng Hoàng.

1316 Anh Tông thọ tại gia bồ tát giới.

1317 Huệ Võ Vương được gửi đi đánh Chiêm Thành. Vua Chế Năng, em của vua Chế Chí chạy về quê mẹ ở Qua Oa (Java).

1318 Anh Tông mời Pháp Loa về Thường Lạc am ở cung Thiên Trường để giảng Truyền Đăng Lục và Tuyết Đậu Ngữ Lục. Anh Tông ban cho Pháp Loa hiệu Phổ Tuệ Tôn Giả. Vua Minh Tông xuống chiếu triệu một vị tăng Ấn Độ tên Ban Để Đa Ô Sa Thất dịch kinh bách Tán Cái Thần Chu. Thái hậu Tuyên Từ băng.

1319 Đói. Vua Minh Tông nhờ Pháp Loa tổ chức cứu trợ. Huệ Võ Vương Quốc Chẩn mời Pháp Loa về phủ An Hoa giảng Đại Huệ Ngữ Lục.

1320 Anh Tông băng.

1321 Hoài Ninh Hầu đúc tượng Quan Âm Thiết Phủ Thiên Nhãn và viết bài bạt cho Đại Tạng Kinh. Quốc Chẩn thọ tại gia bồ tát giới ở chùa Sùng nghiêm.

1322 Pháp Loa viết sách Tham Thiền Yếu Chỉ, được ban hiệu Minh Giác, Giáo Hội Trúc Lâm đúc 1,000 tượng Phật. Văn Huệ Vương Quang Triều xuất gia với Pháp Loa.

1324 Chùa Quỳnh Lâm có hơn 1,000 mẫu ruộng và 1,000 tịnh nhân làm ruộng. Huệ Túc Vương Đại Niên đem quân đánh Chiêm Thành thất bại, phải rút quân về. Chiêm Thành khôi phục nền độc lập.

1330 Pháp Loa tịch.

1377 Vua Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành bị phục kích chết trong thành Trà Bàn. Quân Đại Việt thua lớn. Cuối năm, chiến thuyền Chế Bồng Nga ra Thăng Long.