Sự Tìm Kiếm Tâm Hồn của Con Người Hiện Đại
Lời cám ơn
Thứ 6 ngày 13 tháng 3 năm 2020, chính phủ Philippine ra quyết định về việc thiết lập chế độ giới nghiêm và giãn cách xã hội để ngăn ngừa bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Với quyết định này, người nước ngoài đang sinh sống ở Phi sẽ có đúng 1 tuần để chuẩn bị cho 2 kịch bản: một là ở lại, hai đặt vé máy bay về nước vì ngay sau đó tất cả các chuyến bay quốc tế sẽ bị dừng.
Gia đình mình quyết định ở lại vì gấu làm cho WHO.
Tháng đầu tiên, các công ty và trường học đều đóng cửa. Thành phố còn áp lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng. Trẻ con ở nhà xem tivi vì bố mẹ vẫn phải làm việc và lại không có người giúp việc.
Công việc của gấu đã rất nhiều lại càng trở lên nhiều hơn vì các nguồn lực hạn hẹp của tổ chức dồn vào covid-19, đồng nghĩa với điều này là sẽ ít nguồn lực hơn cho các căn bệnh khác như sốt rét, sốt xuất huyết, và kí sinh trùng. Gấu làm việc từ sáng sớm tới tối khuya, triền miên trong cả tháng. Mình thì lại thấy đây là một khoảng thời gian vàng khi mà mọi thứ xung quanh đều dừng hoặc chuyển động chậm lại, thành phố vắng bóng xe và trở lên trong lành hơn. Công việc của mình cũng không quá áp lực, túc tắc làm cũng đạt được hiệu suất cỡ 50 đến 60%. Do đó, mình có thể bố trí làm vào buổi sáng và ban tối còn chiều thì giành hết thời gian cho Sola, đưa cô bé ra ngoài vườn đá bóng và đạp xe.
Khu vườn của khu chung cư khá rộng, năm lọt thỏm giữa 5 tòa nhà cao tầng trong khu Rockwell. Vườn có hình trái xoan và có rất nhiều cây, đặc biệt là hàng dừa cao bao quanh khu cỏ có đường riêng cho đi bộ và đạp xe.
Mình thường đưa Sola ra vườn chơi từ 3 giờ chiều để tận hưởng nhưng tia nắng vàng rực rỡ và cũng vì lúc đó mọi người vẫn còn ở trong nhà. Từ 3 đến 4 giờ chiều là khoảng thời gian với không gian riêng chỉ có mình và Sola. Hai bố con chơi bóng khoảng 20 phút, đạp xe 20 vòng, rồi nhảy dây và đi dạo bộ. Sau 4 giờ chiều, khu vườn bắt đầu có thêm những tiếng cười của trẻ con và tiếng bước chân của người lớn dạo bộ. Sau 5 giờ thì khu vườn bắt đầu chặt trội hơn vì lúc đó mọi người kết thúc công việc và đi tập thể dục.
Tình cờ trong khi Sola đang nhảy dây, một cô bé tóc vàng chừng 8 tuổi đi xe trượt tới và hỏi “Bạn có muốn chơi với tớ không?” Thế là một tình bạn đã nảy sinh trong 3-4 tháng ở nhà vì Covid-19.
Cô bé đó tên là Sophie, con gái của Rich (Richard) và Monica. Rich là người Anh, nhà gần London còn Monica là người Slovakia (Cộng hòa Tiệp Khắc trước đây).
Thế là ngày nào Sola và Sophie cũng ngóng chờ nhau vào mỗi buổi chiều, khoảng thời gian duy nhất 2 đứa có thể ra ngoài chơi sau khi bi giam trong nhà. Cũng vì thế mà Rich và Monica cũng cố gắng sắp xếp công việc để có thể ra khu vườn sớm hơn. Căn hộ nhà Sophie thuê ở nằm ở tầng thượng, nhìn xuống là thấy hết cả khu vườn nên khi mình và Sola ra chơi lúc nào là Sophie có thể nhìn xuống và đòi ra ngoài chơi cùng.
Sola nói tiếng anh thì ít nhưng hiểu thì khá nhiều. Từ sau khi quen Sophie được một tháng, tiếng anh khá hẳn lên và bắt đầu trò truyện cùng.
Mẹ của Sophie là Monica là một người khá đặc biệt. Monica học xong đại học ở Praha rồi đến trường Cambridge ở London để làm nghiên cứu sinh trong một năm ngành ngôn ngữ học. Tình cờ khi ở London, Monica gặp Rich và cả hai nên duyên vợ chồng. Monica rất hoạt nói, tức là nói rất nhiều, gặp mình lúc nào là từ đầu đến cuối Monica cũng chỉ nói và nói, nói đủ các thứ chuyện và ít khi quan tâm đến người bên cạnh nghĩ gì. Được cái những thứ Monica nói toàn là về khoa học về Cambridge, một trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới nên với mình là có thể lắng nghe và chấp nhận được.
Một hôm mình góp ý thẳng với Monica là nên học thiền để ít nói đi và gửi cho Monica cái link trên Youtube có bài giảng bằng tiếng Anh của thầy Nhất Hạnh về vấn đề Thiền. Mình bảo Monica là khi nào chuẩn bị bữa tối thì bật lên mà nghe.
Gặp mình vào ngày hôm sau, Monica lập tức nói về bài thiền đã nghe và bảo rất thích. Tuy nhiên cũng tự thú nhận bản thân là rất khó để tự kiểm soát sự hoạt nói của mình nên bảo trước với mình là phải thông cảm nếu thấy cô ấy nói quá nhiều.
Monica bắt đầu nói, cỡ một tiếng đồng hồ, về sự giao thoa giữa Thiền trong Phật Giáo và những phát kiến khoa học trong lĩnh vực tâm lý và sự hình thành ngôn ngữ. Trong đó đặc biệt nói về tầm ảnh hưởng của một trong những nhà tâm lý phân tích Thụy Sĩ tên Carl Jung, người mà mình đã biết tên từ khi còn sống ở Zurich nhưng chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào của ông.
Ngày kế tiếp sau, Monica mang và đưa cho mình 2 cuốn sách. Một cuốn của Carl Jung có tiêu đề là “Modern Man in search of a Soul” và một cuốn sách của giáo sư Peter Richerson về sự hình thành ngôn ngữ. Thú thật là mình có rất nhiều sách đang trong danh mục cần đọc ngay nhưng vì Monica và cũng vì thật sự muốn tìm hiểu thêm về Carl Jung mà mình quyết định đọc cuốn sách của Carl Jung mà Monica giới thiệu.
Khi còn ở Zurich, mình đã rất nhiều lần chạy dọc theo bờ hồ Zurich, mỗi lần chạy vào cuối tuần là khoảng 20 đến 25 km, có lần chạy tít xuống Rapperswill cách thành phố Zurich cỡ 35km. Trên đường chạy đó, mình có biết đến một ngôi nhà, chính là ngôi nhà mà nhà khoa học nổi tiếng thế giới Carl Jung từng sinh sống và nay là bảo tàng Carl Jung.
Mình biết đến tên Carl Jung là từ một người bạn, học ngành xác xuất, cô ấy làm intern cho bộ phận phòng chống bệnh bại liệt (Polio). Cố ấy rất xinh, là người Canada nhưng lại gốc Nhật vì bố mẹ làm giáo sư ở một trường đại học ở thành phố của Canada. Bố cô ấy là giáo sư toán nhưng lại chuyên làm về toán phân tích trong ngành tâm lý. Mình mò mẫn hỏi giáo sư Google và từ đó biết đến ngành học gọi là Tâm Lý Phân tích (Analytical Physcology) mà cha đẻ của môn khoa học này chính là Carl Jung.
Tìm hiểu thêm về Carl Jung thì biết thêm một câu chuyện thú vị là chính Carl Jung là người thầy chữa bệnh cho một thiên tài ngành vật lý, là giáo sư Wolfgang Pauli của viện ETH Zurich, nơi mình có may mắn làm việc trong vòng 6 năm ở Thụy Sĩ. Wolfgang Pauli cũng từng là tên con đường chính của khu học xá Hönggerberg của ETH Zurich.
Mình phải cám ơn Monica vì đã bắt mình đọc cuốn sách này vì mình cảm thấy có một sự gắn kết nho nhỏ nào đó, ít nhất là về mặt tâm lý, để đọc và tìm hiểu thêm về Carl Jung. Có lẽ nếu lần sau đến Zurich mình sẽ ghé thăm bảo tàng, ngôi nhà mà Carl Jung từng sống, thay vì chỉ chạy qua như bao lần trước đây.
Cảm nghĩ về sách
Cuốn sách này được viết với ngôn ngữ khá gần gũi, để người đọc không phải chuyên ngành tâm lý cũng có thể đọc và hiểu. Cuốn sách tập trung nói về sự liên hệ của những giấc mơ với những quyết định và hành động thực tại của con người. Vào thời điểm Carl Jung làm nghiên cứu về vấn đề này, ở Châu Âu lúc đó có trường phái Phân Tâm Học do Sigmund Freud khởi xướng. Về cơ bản Jung có rất nhiều quan điểm đối lập và phản bác lại những luận điểm của Freud. Chính những quan điểm đối lập này đã tốn khá nhiều giấy mực của giới khoa học ngành tâm lý lúc bấy giờ.
Giấc mơ hình thành trong vô thức, đó là những gì con người thời đó tổng kết lại. Có những giấc mơ lặp đi lặp lại cùng một nội dung và có những giấc mơ biến mất khi con người tỉnh giấc. Ít ai tin rằng những biểu hiện của giấc mơ và những biểu hiện của thực tại lại có mối liên hệ khá mật thiết.
Jung là người tiên phong trong việc phân tích giấc mơ, và chứng minh cụ thể rằng, chính nhưng suy nghĩ thực tại, những kì vọng và thiếu hụt của con người trong quá khứ và thực tại đã là một nhân tố kích thích sự hình thành những giấc mơ. Những giấc mơ, với những nội dung kì quái của nó, phản ánh nhiều điều trong thực tại, phản anh ước muốn và hành động của tương lai.
Chính vì biết có sự liên hệ này, Jung đã trở thành một bác sĩ chuyên chữa bệnh tâm thần với phương pháp phân tích giấc mơ, biến cố và hoàn cảnh quá khứ và thực tại, để đưa ra những lời khuyên và biện pháp hữu hiệu hơn trong việc điều trị bệnh.
Mình nghĩ đây là một cuốn sách xuất sắc của Jung với những ví dụ minh họa thực tế để chứng minh học thuyết của mình là đúng. Ở thời điểm đó thì đây là một điều tiên phong trong khoa học tâm lý. Ở thời điểm hiện tại, các nhà tâm lý học phân tích đã và đang sử dụng các nền tảng mà Jung đã xây dựng, cộng với việc kết hợp với toán xác xuất thống kê, có thể đưa ra các nhận định chính xác hơn và vì thế giúp được khả năng tiên đoán tiến triển bệnh tốt hơn.
Khi đọc cuốn sách này, mình có liên hệ đến một cuốn sách do thầy Thích Nhất Hạnh viết, mình không nhớ rõ tên của cuốn sách nào của Thầy, chỉ biết rằng thầy có đưa ra một lời khuyên là mỗi sáng khi ta thức dậy, hãy cố gắng nhớ lại mình đã mơ thấy những gì và viết lại vào nhật kí. Những dòng nhật kí về giấc mơ đó sẽ cho biết diễn biến tâm lý của bạn và giúp bạn định hình được những việc cần phải làm để cho giấc ngủ tốt hơn, sâu hơn, không có những giấc mơ kì quái quấy rầy. Đó cũng chính là một trong những mục đích của Thiền, không chỉ thở đúng và đủ trong thực tại mà còn phải thở đúng và đủ trong vô thức.
Những giấc mơ lạ mà quen
Cơ thể người là cả một hệ thống máy móc sinh học quá phức tạp, không thể nào nghiên cứu hết được. Hệ thống này gồm cả phần xác thịt và tâm hồn.
Trong cuốn sách Spontaneous Healing của tác giả Andrew Weil, viết về cách chữa và phòng chống bệnh ung thư theo các phương pháp ăn chay và kết hợp điều trị tâm lý, tác giả có nói rằng các trạng thái của tâm hồn hay tập hợp khí của con người biểu hiện ra ngooài thế nào, sẽ cho ta biết được một phần tình trạng của cơ thể.
Những giấc mơ đến với chúng ta không phải là ngẫu nhiên, chúng đến và đi theo từng trạng thái tâm lý và khí của cơ thể, nó bộc lộ những cảm xúc sâu thẳm mà chúng ta không nói ra trong cuộc sống hàng này. Nó có thể là một ước muốn cháy bóng hay có thể là một nỗi uất ức dồn nén.
Gần đây, thi thoảng mình có những giấc mơ với cùng nội dung khá rõ ràng, nó xuất hiện khoảng 1 tháng một lần, trùng với chu kì sức khỏe đi xuống hàng tháng. Thường thì trong 1 tháng, mình có khoảng 2-3 ngày khá mệt mỏi và có cảm giác nặng đầu ngay phía trên gáy. Cảm giác nặng đầu này thường đi kèm với sự đau mỏi hệ cơ ở vai.
Giấc mơ của mình thường đưa mình trở về với những con người của quá khứ, gặp gỡ những bạn học đại học. Hầu hết trong số những bạn bè thời đó, mình đã không gặp lại từ khi ra trường. Chỉ có một vài người bạn thân và một người bạn gái mình mến là hiện ra khá rõ nét trong những giấc mơ. Người bạn thì luôn mặc một bộ đồ mà mình có thể nhận ra ngay cả từ khoảng cách rất xa. Trong mơ cũng vậy, bạn rất ít nói và hầu như không biểu lộ suy tư và cảm xúc qua lời nói, tất cả chỉ là sự im lặng và những nụ cười. Mình không thể nhớ chính xác nội dung của những giấc mơ, nhưng có thể khẳng định là mọi người đều tham gia vào một sự kiện, đó có thể là buổi tiệc chia tay hay một cuộc hội ngộ trong tương lai. Nếu theo cách phân tích của Carl Jung thì mình thấy đúng là có lý vì mình cũng có những mong muốn như vậy.