Hạnh Phúc Cầm Tay
Chánh Niệm
Những màu nhiệm của sự sống
“Khi ngồi thiền, tuy có đóng bớt những cánh cửa giác quan lại, ta vẫn cảm nghe được sự có mặt của toàn thể vũ trụ. Tại sao? Tại vì tâm ta đang có mặt. Ta nhắm mắt lại cũng chỉ để thấy rõ hơn. Hình ảnh và âm thanh của thế giới không phải là kẻ thù của ta. Kẻ thù của ta là thất niệm, là sự vắng mặt của tâm, vắng mặt của chánh niệm.”
Định
Định làm phát sinh hỷ lạc.
“Phép lạ là đi trên mặt đất mà không phải đi trên mặt nước hay đi trên than hồng.”
— Thiền sư Lâm Tế
Chúng ta dâng hương cho Bụt, nhưng Bụt có thật sự cần hương không? Thật ra chúng ta đang dâng lên sự bình an, hỷ lạc và định lực của ta cho Bụt.
Tự do
“Điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Nếu trong tâm ta có điều gì đó khiến ta cứ suy nghĩ hoài rồi kẹt vào đó thì ta không có tự do. Nếu kẹt vào những buồn giận trong hiện tại hay nuối tiếc về quá khứ, hoặc lo lắng về tương lai thì ta không thực sự có tự do để thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt ngay bây giờ và ở đây.”
— Thích Nhất Hạnh
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là bước đầu của thiền tập. Thân và tâm ta cần được nghỉ ngơi. Ta phải cho phép chúng nghỉ.
Thở vào chúng ta lặp lại: ở đây, ở đây. Thở ra: Bây giờ, bây giờ.
Sự có mặt đích thực
Có những người xung quanh ta đang sống mà như đã chết. Họ nhai đi nhai lại quá khứ, sợ hãi tương lai và bị kẹt vào những giận hờn, ganh tỵ trong hiện tại. Họ không thực sự sống được, họ giống như những thi thể đang di động. Với con mắt chánh niệm ta có thể nhận ra được họ, họ đi như những thây ma, dở sống dở chết. Chúng ta thấy thương cho những người ấy. Họ không biết rằng cuộc sống chỉ có được trong giây phút hiện tai bây giờ.
Hơi thở chánh niệm
Hơi thở chánh niệm là chiếc cầu đưa thân và tâm về lại với nhau. Nếu ta đã từng ôm ấp hơi thở vào và hơi thở ra một cách nhẹ nhàng thì chúng cũng trở lại ôm ấp thân tâm ta. Bình an lây lan, hạnh phúc lây lan. Bởi vì, khi thiền tập thì ba yếu tố thân, tâm và hơi thở trở thành một.
Đi như Bụt đi
Tiếp xúc với đất mẹ
Sống chánh niệm
Trị vì năm uẩn
Khi mới bắt đầu thực tập đạo Bụt, chúng ta tập làm một đức Bụt bán phần, từ từ ta trở thành đức Bụt toàn phần. Đôi khi ta rơi xuống làm đức Bụt bán phần trở lại, nhưng với sự thực tập đều đặn ta sẽ trở lại làm đức Bụt toàn phần. Phật tính ở trong tầm với của ta, vì ta cũng là một con người như Bụt. Chúng ta có thể trở thành Bụt bất cứ khi nào ta muốn. Đức Bụt luôn có đó cho ta ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây và bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Là một đức Bụt bán phần, có thể ta không có nhiều truyền thống tốt, nhưng khi trở thành đức Bụt toàn phần thì ta có hạnh phúc và truyền thống tốt với mọi người dù bất kỳ khó khăn nào xảy ra.
Thành Bụt không khó lắm. Bụt là một người giác giộ, có khả năng thương yêu và tha thứ. Ta thấy thỉnh thoảng ta cũng có những khả năng ấy. Vì vậy ta hay làm Bụt. Khi ngồi, ta để cho Bụt trong ta ngồi. Khi đi ta hãy để cho Bụt trong ta đi. Làm gì cũng làm cho thoải mái, thong thả, thảnh thơi. Hãy tận hưởng sự thực tập của mình. Nếu ta không làm Bụt thì ai sẽ làm Bụt?
Tập khí
Có một câu chuyện thiền kể về một anh chàng đang cưỡi ngựa. Anh ta phi ngựa rất nhanh như thể anh đi đâu quan trọng lắm. Một người bên đường thấy vậy hỏi lớn: “Anh đi đâu vậy?”. Anh trả lời: “Tôi không biết, hãy hỏi con ngựa.”.
Câu chuyện này cũng là câu chuyên của ta. Ta đang cưỡi ngựa mà không biết ta đi đâu, và không dừng lại được. Con ngựa là tập khí của ta đang lôi kéo ta đi, còn ta thì yếu thế, bất lực. Ta luôn chạy, và chạy đã trở thành tập khí của ta. Lúc nào ta cũng đấu tranh kể cả trong khi ngủ. Ta đấu tranh với chính mình và rồi đấu tranh với người khác.
Ta phải học nghệ thuật dừng lại. Dừng lại những suy nghĩ, dừng lại những tập khí, dừng lại những thất niệm và dừng lại những cảm xúc mạnh đang thống trị ta.