Đạo Phật Ngày Nay
Vị trí đạo phật trong văn hóa
Tôi xin nhắc lại rằng đạo Phật là tất cả mọi hình thức sinh hoạt nào có thể làm sống được nguyên lý Phật học. Nhắc lại như vậy để chúng ta cùng thấy rằng cần phải có một nhận thức phóng khoáng và cởi mở, không nô lệ hình thức, danh từ, thành kiến. Hãy gọi đạo Phật là tất cả mọi hình thức sinh hoạt nào nhằm đến mục đích ly khổ đắc lạc, chuyển mê khải ngộ, đoạn hoặc chứng chân (rời khổ đạt vui, chuyển sai lầm thành giác ngộ, phá mê loạn để tìm gặp chân lý).
Đức Phật và con người
Nếu đạo Phật xuất phát từ sự sống con người để nhằm đáp ứng những nguyện vọng thâm sâu nhất của con người, thì Đức Phật chính thực là người yêu của nhân loại.
Ngài tượng trưng cho những tinh hoa đúc kết nên bởi những phần cao khiết nhất và sáng mạnh nhất của con người, và bởi vì Ngài đích thực là một con người nên Ngài đã hiểu con người một cách thấu triệt. Dạy đạo giải thoát cho chúng ta, Ngài có ánh mắt từ hòa và thân mật của một người bạn sống giữa xã hội loài người, hiểu biết con người, và thắm thiết tình người.
Cho nên cái ý tưởng cho rằng Ngài là một nhân vật thần linh vạn năng từ một cõi trời xa hiện về để ban phúc trừ họa là một ý tưởng sai lạc. Thần linh không hiểu được con người, không biết được ý nguyện và tâm lý con người. Ta mến yêu Đức Phật vì bản thân Ngài là một thực thể đúc kết bằng những yếu tố nhân bản và vì trí tuệ, đức độ và giáo lý của Ngài là những câu ngọc đúc kết bằng những chất liệu con người. Ta mến yêu Đức Phật bởi vì ta có thể thấy ở Ngài hình ảnh của chúng ta.
Nhận thức căn bản
Nếu nghĩ rằng cửa chùa là nơi mà người ta tìm đến để trốn tránh khổ đau thì thật là oan uổng cho đạo Phật. Bởi vì giáo lý đạo Phật không dạy người ta trốn tránh khổ đau. Mà nếu muốn chiến thắng khổ đau, trước hết phải khinh thường khổ đau, phải can đảm nhìn khổ đau tận mặt, phải tuyên chiến với khổ đau. Chúng ta chưa từng thấy ai sợ địch thủ mà chiến thắng được địch thủ bao giờ. Đừng biến đạo Phật của kiên nhẫn, của quả cảm, của gian khổ, của đại hùng đại lực thành một đạo Phật của “cải lương vọng cổ”. Những kẻ hèn nhát yếu đuối ấy không đáng được gọi là Tăng Sĩ. Người xuất gia phải là những vị đại trượng phu.
“Nguồn gốc của mọi khổ đau là vô minh”, Đức Phật đã lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói quan trọng này. “Cái khổ của con lừa, con lạc đà là chở nặng, cái khổ của kẻ bị trôi lăn trong lục đạo chưa gọi là khổ. Ngu si không nhận thức được thực tại, không biết được hướng đi mới thật là đau khổ”
Khi ta dại dột đưa tay vào lửa, ta bị bỏng tay: thế là đau khổ vì không biết rằng lửa nóng. Khi ta hành động trái chống với nguyên lý vô thường, vô ngã và duyên sinh của thực tại, ta cũng chuốc lấy những thất bại khổ đau. Vì thế để đạt tới một cuộc sống hòa đồng với thực tại, ta phải nhận biết bản thân của thực tại và như thế, phải đạt đến nhận thức giác ngộ, gọi là Tuệ hay Bát nhã.
Nhưng nhận thức bát nhã không thể trong một sớm một chiều mà thực hiện được. Để đạt đến nhận thức bát nhã tròn vẹn ta phải thực hiện từ từ nhận thức ấy. Mà thực hiện thế nào? Đó là tất cả vấn đề mà đạo Phật nhắm đến, vì đạo PHật là một đạo lý hướng dẫn con người trên bước đường thực hiện nhận thức ấy.
Phương pháp thể hiện
Định tâm: Mỗi ngày phải có những giờ giấc thực tập, tập trung tư tưởng về một đối tượng, đình chỉ những loạn tưởng, tiêu diệt những vọng tưởng để phát triển nhận thức bát nhã.
Vì cuộc sống không cho phép ta có nhiều điều kiện để tự thực hiện một cuộc thoát xác mau chóng như ý ta muốn - nghĩa là làm thiền sư - ta hãy cố gắng xếp đặt một chương trình sống hợp lý hơn, có nhiều điều kiện hơn để thực hiện nhận thức giác ngộ. Ta có thể học tập, thiền quán và áp dụng đạo Phật trong bất cứ một cuộc sống vất vả và bận rộn nào. Nhưng thực ra, vất vả và bận rộn nhiều hay ít cũng tùy ở ta.
Chúng ta thường nghĩ rằng tôn giáo nào cũng dạy bỏ ác làm lành và vì vậy tôn giáo nào cũng đáng quý trọng. Điều đó thật đúng. Nhưng điều đó không mấy quan trọng. Quan trọng là ở chỗ bỏ những ác nào, làm những lành nào, nhưng gì là ác, những gì là lành, và lấy tiêu chuẩn nào để đo lường mà biết thế nào là ác, thế nào là lành.
Vấn đề tiêu chuẩn thiện ác là một vấn đề trọng đại của luân lý học. Nhưng luân lý bao giờ cũng được căn cứ trên một nền tảng nhận thức có hệ thống về vũ trụ, về thực tại và về con người. Nhận thức ta là một nhận thức duy vật chẳng hạn, thì luân lý ta là một luân lý duy vật. Nhận thức ta là một nhận thức duy thần thì luân lý ta sẽ là một luân lý duy thuần. Và lẽ tất nhiên hễ nhận thức căn bản đổi thay thì quan niệm luân lý đổi thay. Luân lý không phải những bài học hay những khuôn mẫu đúc sẵn để cho mọi người tuân theo. Luân lý phải là phương châm và pháp thức hành động của con người hợp với hoàn cảnh, tâm lý và hạnh phúc chân thật của con người.
Hiện đại hóa
Văn hóa Khổng Mạnh chẳng hạn, với giáo lý trung quân ái quốc xưa cũ, với một số quan niệm luân lý quá thời, đã thiếu điều kiện để thực hiện một cuộc thoát xác vì bản chất văn hóa đã khô cứng theo với hình thái sinh hoạt.
Sống trong xã hội, cảm thông những khổ đau của xã hội, ta mới thấy sáng tỏ nơi trí tuệ ta những nguyên lý và phương pháp mà Đức Phật dạy. Phải sống ta mới hiểu. Giáo lý và cuộc đời cũng ví như hai tảng đá, chạm nhau thì phát sinh ra lửa. Ngọn lửa thiêng đó chính là con đường, là nguyên lý linh động. Đem giáo lý sống trong cuộc đời ta mới trực nhận được những nguyến lý linh động ấy. Giáo lý đặt xa cuộc đời thì chỉ là giáo lý mà không phải là sự thực hiện đạo Phật. Mà đạo Phật không phải chỉ là giáo lý. Đạo Phật là sự thực hiện giáo lý, là kết quả của sự thực hiện giáo lý trong bản thân cuộc đời.
“Đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son. Đừng biến Tăng Sĩ thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng đường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để người Phật tử hiểu rằng Phật - Pháp - Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giữa cuộc đời đau khổ. Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể chứng minh rằng đạo PHật hiện hữu trong cuộc đời để giải phóng con người”.